Huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, được sự ưu ái của thiên nhiên để phát triển nông nghiệp. Những năm qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đến nay huyện Ứng Hòa đã đạt được nhiều chuyển biến rõ rệt.
Được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô, huyện Ứng Hòa đã và đang rất chú trọng khai thác thế mạnh của địa phương để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, nâng cao hiệu quả canh tác cho người dân. Nông nghiệp huyện đang phát triển theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, dần hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Với tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện là 18.818ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 13.418ha (chiếm 71% diện tích đất tự nhiên). Sản lượng, chất lượng nông sản hàng năm của huyện ngày càng cao. Diện tích lúa hàng năm đạt hơn 16.000ha, sản lượng trên 96.000 tấn. Diện tích cây ăn quả đạt 380ha, vùng nuôi trồng thủy sản đạt trên 4.000ha, sản lượng trên 39.532 tấn; Tổng đàn gia cầm là 2.189.540 con với đặc sản vịt Vân Đình, đàn lợn là 97.256 con. Sản lượng trứng ước đạt 209 triệu quả, chủ yếu là trứng vịt, nổi tiếng với chuỗi trứng vịt Đông Lỗ.
Huyện Ứng Hòa đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế. Nhờ tích cực chuyển đổi các diện tích trũng, cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế mới, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 3.000ha. Có diện tích ruộng trũng và mặt nước lớn, thuận lợi cho việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, huyện đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Nhiều vùng sản xuất tập trung đã được hình thành như: Chăn nuôi lợn ở Vạn Thái, Tảo Dương Văn, Sơn Công; sản xuất đa canh lúa – cá – vịt ở Trầm Lộng, Minh Đức; Nuôi trồng thủy sản ở Phương Tú, Hòa Lâm; Trồng cây ăn quả ở Đồng Tiến, Phù Lưu…
Được biết, huyện Ứng Hòa đang tập trung thực hiện tái cơ cấu để phát triển nông nghiệp nông thôn một cách bền vững, tiếp tục vận động các hộ đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn, theo hướng sạch và an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường; Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất quy mô lớn; Tiếp tục đồng hành với bà con xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm đưa sản phẩm có thế mạnh của địa phương ra thị trường trong và ngoài thành phố.
Sản xuất rau an toàn đang là mô hình có hiệu quả, mang lại thu nhập cao, ổn định đời sống cho người nông dân. Năm 2016, được sự hỗ trợ của huyện Ứng Hòa, HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng triển khai thí điểm trồng 5ha rau an toàn (RAT). Nhờ áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sử dụng phân bón sinh học nên rau sinh trưởng, phát triển tốt, giảm sâu bệnh, cho giá trị kinh tế cao hơn trồng rau thông thường. Nhận thấy hiệu quả, HTX đã mở rộng diện tích sản xuất lên 27ha và được Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội chứng nhận là vùng đủ điều kiện sản xuất RAT.
Cùng với phát triển vùng chuyên canh RAT gắn với tiêu thụ sản phẩm, HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng còn mạnh dạn xây dựng mô hình trồng rau trong nhà kính. Mô hình được thiết kế hiện đại, đồng bộ với giàn tưới nước, phun sương tự động, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học, không sử dụng thuốc BVTV.
Thực tế cho thấy, trồng rau nhà kính có nhiều ưu điểm vượt trội như tránh được tác động của thời tiết, hạn chế dịch bệnh, chủ động được chế độ dinh dưỡng cho cây nên đt năng suất, chất lượng cao gấp nhiều lần so với trồng rau theo phương thức truyền thống.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao còn giúp nông dân trồng được các loại rau, quả trái vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Mô hình trồng RAT đã làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, giúp họ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân đến chăm sóc, quản lý dịch hại, tăng năng xuất và mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Với ưu điểm đem lại giá trị dinh dưỡng cao, phù hợp với vùng đất pha cát, thời gian gần đây cây măng tây được nhiều nông dân trên địa bàn xã Sơn Công (huyện Ứng Hoà) đưa vào trồng thử nghiệm. Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Trước đây, gia đình anh Mạnh trồng các loại rau màu trên đất bãi nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao do tập quán canh tác lạc hậu manh mún, nhỏ lẻ, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2018, anh đi tham quan mô hình của một người bạn, anh nhận thấy măng tây là cây trồng một lần có thể cho thu hoạch 10 năm, giá trị lại rất cao. Sau buổi tham quan hôm đó đã thôi thúc anh tìm hiểu và quyết định đầu tư để xây dựng mô hình trồng măng tây xanh.
Ban đầu anh trồng 0,4 ha măng tây dưới sự giúp đỡ hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật, phòng nông nghiệp huyện, cùng với sự học hỏi kinh nghiệm từ đài, báo, sau một năm, cây măng tây cho năng suất và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương để mở rộng diện tích sản xuất và chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, anh đã vay vốn ngân hàng đầu tư trồng thêm 1 ha măng tây theo hướng hữu cơ vào cuối năm 2019.
Anh Mạnh chia sẻ, cây măng tây là cây trồng đòi hỏi chăm sóc công phu, tỉ mỉ, thường xuyên phải cắt tỉa những cành lá già, dọn cỏ. Đặc biệt cần xử lý đất tốt trước khi trồng, chăm sóc bón phân đúng kỹ thuật thì măng tây ít sâu bệnh hại. Anh chủ yếu dùng phân hữu cơ được làm từ xương cá, đậu nành, chuối… trộn lại với nhau, đem ủ lên men và dùng hỗn hợp đó pha loãng tưới cho cây.
Đối với sâu bệnh, anh sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc. Đặc biệt giống là yếu tố quyết định đến năng suất nên phải chọn cơ sở cung cấp uy tín vì nếu nhiều cây măng tây cái sẽ ra hoa nhiều và cho ít măng dẫn đến năng suất măng thấp. Từ khi trồng đến khi được thu hoạch lứa đầu phải mất từ 6 – 7 tháng, cây măng tây đến năm thứ hai bắt đầu cho thu hoạch liên tục. Trong 1 năm anh thu măng khoảng 8 tháng tiết trời ấm, thời gian còn lại cho cây nghỉ “dưỡng sức”, tiếp tục đẻ nhánh thay thân mẹ để khỏi phải đầu tư lại giống.
Anh Mạnh đề xuất với chính quyền địa phương xin mở rộng diện tích sản xuất và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền, của Hội Nông dân xã Sơn Công. Anh đã vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng măng tây theo hướng hữu cơ, đến nay số lượng cây măng tây gia đình đang trồng là 20.000 cây.
“Thời gian đầu, tôi mất khá nhiều công sức để tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây măng tây để hạn chế sâu bệnh gây hại cho cây. Vốn là cây cần chăm sóc công phu, đặc biệt trồng theo hướng hữu cơ nên đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt. Đất phải được xử lý trước khi trồng, chăm sóc bón phân đúng kỹ thuật thì mới hạn chế được sâu bệnh hại”, anh Mạnh cho biết.
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm cách trồng, chăm sóc cây, bước đầu mô hình trồng măng tây của anh Mạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Sản phẩm thu hoạch là những thân cây măng tươi đang nhô lên từ tầng đất hữu cơ. Năm đầu tiên cây cho thu hoạch trung bình 5kg/sào, từ 7.000 cây măng tây trên diện tích 7 sào, anh Mạnh thu 30 – 40kg măng tây/ngày, với giá bán từ 70 – 80 nghìn đồng/kg tại vườn.
Khi chúng tôi hỏi về thị trường tiêu thụ đối với loại cây này, anh Mạnh cho biết, hiện thị trường tiêu thụ măng tây ổn định, sản phẩm được Công ty thực phẩm thu mua từ đó phân phối tới các siêu thị, hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố. Hiện tại, anh Mạnh đang triển khai xây dựng thương hiệu sản phẩm măng tây, tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm của thành phố.
Mô hình trồng cây măng tây xanh hữu cơ được lãnh đạo xã đánh giá cao. Cuối năm 2021, Trung tâm phát triển nông nghiệp Hà Nội công nhận và cấp chứng chỉ VietGAP cho 2 ha măng tây. Mong muốn của anh Mạnh và lãnh đạo địa phương thời gian tới, đề nghị các đơn vị chuyên môn giúp đỡ về xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh cây măng tây xanh, xây dựng nhãn hiệu và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm.
Có thể nói, mô hình trồng cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ là một mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện nguồn lao động của bà con nông dân. Mô hình này nếu được nhân rộng sẽ là hướng đi đúng đắn, giúp cho nhiều hộ dân có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thời gian tới, để cây trồng mới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng đứng vững trên thị trường, các hộ dân trong xã mong muốn sẽ được các đơn vị chuyên môn giúp đỡ về xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, tiến tới xây dựng nhãn hiệu và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm.